Thứ Năm, 28 tháng 1, 2010

VÀI NÉT VỀ HUYỆN BÌNH CHÁNH

Diện tích: 252,69 km2
Dân số: 330.605 người (Năm 2006)

Các xã, thị trấn: Thị trấn Tân Túc và 15 xã là: Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Phạm Văn Hai, Bình Lợi, Lê Minh Xuân, Tân Nhựt, Tân Kiên, Bình Chánh, An Phú Tây, Tân Quý Tây, Long Hưng, Quy Đức, Đa Phước, Phong Phú, Bình Hưng.

1. Tổng quan

Bình Chánh là một trong 5 huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh, nằm phía Tây Nam thành phố. Phía Bắc giáp huyện Hóc Môn. Phía Nam giáp huyện Bến Lức và huyện Cần Giuộc của tỉnh Long An. Phía Tây giáp huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Phía Đông giáp quận Bình Tân, quận 7, quận 8 và huyện Nhà Bè.

Bình Chánh nằm ở cửa ngõ phía Tây của thành phố Hồ Chí Minh, có các trục đường giao thông quan trọng như: quốc lộ 1A, đường liên tỉnh lộ 10 nối liền với khu công nghiệp Đức Hoà (Long An); đường Nguyễn Văn Linh nối từ quốc lộ 1A đến khu công nghiệp Nhà Bè và khu chế xuất Tân Thuận quận 7, vượt sông Sài Gòn đến quận 2 và đi Đồng Nai; tỉnh lộ 50 nối huyện Bình Chánh với các huyện Cần Giuộc, Cần Đước (Long An).

Đại lộ Nguyễn Văn Linh chạy qua huyện Bình Chánh là điều kiện thuận lợi để huyện phát triển kinh tế - xã hội

Huyện Bình Chánh có hệ thống sông ngòi như: sông Cần Giuộc, sông Chợ Đệm, kênh Ngang, kênh Cầu An Hạ, rạch Tân Kiên, rạch Bà Hom…nối với sông Bến Lức và kênh Đôi, kênh Tẻ, đây là tuyến giao thông thủy với các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.

Trong quy hoạch phát triển đến năm 2010, huyện Bình Chánh sẽ thực hiện hàng loạt các dự án đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bao gồm:

- Nâng cấp và mở rộng các trục giao thông đối ngoại gồm : Quốc lộ 1A, Nguyễn Văn Linh, Trịnh Quốc Nghị, Quốc lộ 50. Nâng cấp và mở rộng các trục giao thông đối nội gồm Tỉnh lộ 10, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Hữu Trí, Nguyễn Cẩn Phú, Đinh Đức Thiện, Hương lộ 11, Đoàn Nguyễn Tuân,…Xây dựng một số bến bãi tại các cữa ngõ thành phố trên địa bàn huyện.

- Xây dựng mới khu dân cư tại thị trấn Tân Túc; các khu nhà ở gắn với các khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Lê Minh Xuân, Phong Phú, Đa Phước… và khu đô thị Nam Sài Gòn.

- Xây dựng khu công viên hồ sinh thái ở xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B diện tích 410 ha; khu công viên hội chợ triễn lãm (Nam Sài Gòn) diện tích 20 ha; sân Gold trong dự án khu đô thị Sing Việt, xã Lê Minh Xuân diện tích 210 ha; khu Bát bửu Phật đài, xã Lê Minh Xuân diện tích 50 ha; Khu công viên văn hóa Láng Le diện tích 56 ha; khu tưởng niệm Tết Mậu Thân, xã Tân Nhật diện tích 10 ha; khu công viên – cây xanh trong các dự án khu dân cư.

Đến Bình Chánh, du khách có thể tham quan khu căn cứ Vườn Thơm, căn cứ Láng Le Bàu Cò, chùa Bát Bửu Phật Đài và nhiều địa danh hấp dẫn khác.

2. Lịch sử

Năm 1820, vùng đất này thuộc huyện Tân Long, phủ Tân Bình, trấn Phiên An. Năm 1836, Bình Chánh thuộc huyện Tân Long, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Năm 1899, Pháp lập tỉnh Chợ Lớn, Bình Chánh được gọi là Trung Quận hay Trung Huyện của tỉnh Chợ Lớn. Đến năm 1957, mới có tên chính thức là huyện Bình Chánh, thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Trung Huyện. Đến năm 1960 do yêu cầu của cuộc kháng chiến Bình Chánh lại tách ra hai phần Nam, Bắc Bình Chánh: Nam gọi là Bình Chánh - Nhà Bè, Bắc nhập với Tân Bình gọi là Bình Tân. Đến năm 1972, tên gọi huyện Bình Chánh được phục hồi trên cơ sở hợp nhất Nam, Bắc Bình Chánh. Đến tháng 12 năm 2003, do sự tăng dân số cơ học và để tạo điều kiện thuận lợi để phát triển, huyện Bình Chánh tách ra một phần để thành lập quận Bình Tân.

Trong chiến tranh, Bình Chánh là địa bàn có truyền thống yêu nước và đấu tranh dũng cảm. Ngay thế kỷ 19, đây là địa bàn hoạt động của Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định và các lực lượng kháng chiến khác. Những năm 1931-1945, Trung Huyện là địa bàn hoạt động của Xứ ủy Nam Kỳ, ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, Công an Nam Bộ, quân khu 7. Đặc biệt, khu vực cạnh sông Chợ Đệm, thuộc ấp 4, xã Tân Kiên chính là nơi được Xứ ủy Nam Kỳ họp quyết định cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ngày 25-8-1945.

Trong giai đoạn kháng chiến 1954 - 1975, Bình Chánh trở thành căn cứ, là chỗ dựa của các lực lượng cách mạng, tổ chức nhiều trận đánh thọc sâu vào cơ quan đầu não của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà ở trung tâm Sài Gòn, điển hình như cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm Mậu Thân 1968 và chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Địa danh căn cứ Vườn Thơm- Bà Vụ là minh chứng hào hùng cho truyền thống yêu nước của nhân dân Bình Chánh.

3. Bản đồ



0 nhận xét:

Đăng nhận xét