Thứ Năm, 28 tháng 1, 2010

KHU DI TÍCH DÂN CÔNG HỎA TUYẾN MẬU THÂN 1968


Khu di tích Dân công Hỏa tuyến Mậu Thân 1968 tọa lạc tại ấp 4 xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh; được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công nhận là khu di tích lịch sử cấp Thành phố theo Quyết định số 119/2005/QĐ-UBND ngày 12/7/2005.

Để phục vụ tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta trong đợt I và II tại Sài Gòn năm Mậu Thân 1968, được sự chỉ đạo của phân khu II, cấp ủy xã Vĩnh Lộc, Chi bộ ấp Tân Hòa 1, Tân hòa 2, Thới Hòa cùng các cơ sở cách mạng nồng cốt đã vận động, tổ chức các đoàn dân công với hàng trăm nam nữ thanh niên tham gia đi phục vụ chiến đấu.

Tổ chức dân công hỏa tuyến không đòi hỏi kỷ luật chặt chẽ khắt khe như bộ đội địa phương hay quân đội chính qui. Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc là những nam, nữ thanh niên tham gia dân công với đa phần là nữ ở lứa tuổi từ 16-20 tuổi. Đây là lứa tuổi hồn nhiên, yêu đời, khi được vận động đã sẵn sàng gánh vác những nhiệm vụ nặng nề không hề so đo, tính toán, không ngại gian khổ, hy sinh. Nhiệm vụ chủ yếu của dân công hỏa tuyến là phục vụ chiến đấu. Mỗi khi có trận đánh, các đoàn dân công luân phiên nhau phục vụ, mỗi đoàncó khoảng 50 - 60 người, có du kích dẫn đường. Đoàn dân công Vĩnh Lộc với nữ chiếm đa số, trang phục tự có của nữ dân công rất bình dị và gọn gàng, mỗi khi đi làm nhiệm vụ các chị thường mang khăn rằn, mặc áo bà ba màu đen hoặc màu xanh thẳm, quần săn quá gối, có mang theo võng để sử dụng khi nghỉ ngơi và khi cần thiết làm võng cáng thương binh.


Khoảng 22 giờ 30 phút ngày 15 tháng 6 năm 1968 (nhằm ngày 20 tháng 5 năm 1968 âm lịch), cũng như mọi đêm, đêm ấy, đoàn dân công với gần 60 người được lệnh đưa thương binh vượt bưng Láng Sấu xuống Đức Hòa - Long An và tải đạn về Sài Gòn. Khi đoàn dân công qua khỏi “vùng trắng” tới đồng bưng thì bị máy bay địch thả pháo sáng và phát hiện ra đội hình, chúng đã xả đạn như vãi trấu vào đoàn dân công trên đồng bưng trống trải. Sau trận oanh kích của địch, 35 người trong đoàn hy sinh, trong đó có 32 dân công (25 nữ, 7 nam, có 05 người đã lập gia đình), 03 bộ đội chủ lực; 25 người sống sót, bị thương tật.

Ngay đêm đó, bất chấp hiểm nguy và sự khủng bố tinh thần của địch, bà con ấp Tân Hòa 1, Tân Hòa 2 đã tiến ra đồng bưng cứu chữa những người bị thương và đưa xác con em mình lên những chiếc xe bò về nhà chăm sóc và tổ chức lễ an táng cho những người con đã hy sinh. Đêm 15/6/1968 là đêm đau thương, đêm không thể nào quên trước sự hy sinh rất lớn của người dân Vĩnh Lộc.

Trong cuộc chiến không cân sức trước kẻ thù, bà con Vĩnh Lộc chứng kiến nhiều trận đấu kiên cường, anh dũng hy sinh của các chiến sĩ cách mạng. Những dân công hỏa tuyến là những người tay không, chân đất, giữa đồng bưng trống trải, không vũ khí, họ hy sinh trong tư thế ôm lấy nhau, truyền cho nhau sức mạnh, đất đồng bưng hiền hòa với những đìa nước, dứa dại, cỏ lau là nơi duy nhất nâng đỡ, che chở cho những con người quả cảm ấy.

Sự hy sinh của các chiến sĩ dân công Vĩnh Lộc là điểm son sáng ngời về tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam anh hùng. Khu di tích là bản hùng ca về hình ảnh các cô gái vùng ven Sài Gòn đi dân công phục vụ chiến trường; là nơi lưu giữ những tấm gương sáng ngời của thanh niên vùng ven Thành phố đã vượt gian khổ, sẳn sàng hy sinh, vững tin vào thắng lợi; là địa điểm văn hóa, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

1 nhận xét:

Unknown nói...

có dịp phải ghé tham quan di tích này mới được

hạt điều sấy mè trắng

Đăng nhận xét