Thứ Năm, 28 tháng 1, 2010

CHIẾN CÔNG LÁNG LE

I.Vị trí địa lý, đặc điểm:

Láng Le - Bàu Cò thuộc Huyện Trung Huyện, Tỉnh Chợ Lớn nay thuộc huyện Bình Chánh thành phố Hồ Chí Minh cách Sài Gòn 7km đường chim bay, là đồng bưng rộng lớn trải dài trên các xã Tân Tạo, Tân Nhựt và Lê Minh Xuân thuộc Bình Chánh. Đông sang Tây dài độ 10km, Bắc xuống Nam rộng khoảng 5 đến 6 km. Đặc điểm địa hình, địa vật: Mùa nắng sình lầy nước động, mùa mưa nước láng mênh mông. Đồng bưng trống trãi, nhìn thông thống mọi hướng nhưng cỏ lát lùm bụi dày đặc. Vị trí chiến lược: Nằm trong căn cứ địa của Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn được tổ chức thành thế liên hoàn gắn liền với khu kháng chiến Vườn Thơm - Bà Vụ, nối liền với Lương Hòa - Tân Bửu và Đồng Tháp Mười. Bàu Cò - Láng Le là địa đầu, là căn cứ du kích tiền tiêu của Vườn Thơm - Bà Vụ - của Trung Huyện ngay sát Thành Phố. Là cửa ngõ chiến khu, tiếp đón, trung chuyển vào Sài Gòn.

II. Các trận đánh lịch sử

1/ Chống thành công trận càn của Pháp (15/4/1948):

Mục đích của giặc Pháp muốn bóp chết khu căn cứ Cách mạng của ta vì là gai nhọn đối với giặc Pháp chỉ cách Thành Phố 7 km. Là nơi xuất phát chủ trương vận động quần chúng nhân nhân đánh giặc. Chỗ dựa để phát triển lực lượng Cách mạng của một vùng rộng lớn. Là hậu cần, là bàn đạp của lực lượng vũ trang giải phóng Long An - Sài Gòn - Gia Định. Là gia đình của Tiểu đoàn 6 - An ninh T4 của đơn vị biệt động thành. Sau khi chiếm lại Sài Gòn - Gia Định, các tỉnh lỵ, Huyện lỵ ở Nam bộ, Pháp đã thiết lập bộ máy ngụy quyền từ Trung ương đến địa phương, ra sức tăng cường nhanh chóng sức mạnh quân sự, xây dựng hệ thống đồn bót, mở rộng phạm vị chiến đấu và sử dụng lực lượng tập trung cơ động, thọc sâu và đánh vào các căn cứ kháng chiến của ta thực hiện ý đồ chiến lược " Tốc chiến tốc thắng" nay quay sang bình định lấn chiếm địa bàn căn cứ kháng chiến của ta. Do sự chênh lệch về tương quan lực lượng ở thời kỳ đầu, trước sức mạnh quân sự tạm thời của địch, đại bộ phận lực lượng của ta từ cơ quan đầu não đến lực lượng vũ trang, các tổ chức ban ngành đều rút ra khỏi nội thành, chiếm giữ lấy địa bàn trọng yếu ở ngoại vi, xây dựng thành căn cứ địa đảm bảo cho sự chỉ đạo về mọi mặt được thông suốt và xây dựng phát triển lực lượng toàn diện để thực hiện "Trường kỳ kháng chiến".Là trận tấn công có qui mô lớn nhất sau ngày 23/9/1945 đến tháng 4/1948 ở Miền Đông Nam bộ.

Qui mô của giặc: Cuộc hành quân cấp trung đoàn tăng cường bao gồm : Bộ binh, không quân, xe lội nước, tàu thủy và pháo binh. Tính chất: ác liệt, đốt phá, bắn giết dã man, khói lửa ngút trời với tiếng gầm rú của xe tăng, tàu bay và tiếng nổ xé không gian của đại bác. Thời gian: Từ sáng sớm đến chiều tối

Sự chống trả của ta: Đơn vị chủ lực: Trung đoàn Phạm Hồng Thái và chi đội 15 (Trung đoàn 308) cùng với dân quân Trung Huyện. Mặc dù quân số và đạn dược thiếu thốn, chiến sĩ chưa được huấn luyện đầy đủ nhưng tất cả chiến đấu bằng lòng căm thù sôi sục đối với quân xâm lược và tinh thần xả thân hy sinh vì nền độc lập của Tổ Quốc. Cuối cùng ta đã bẻ gãy trận càn lớn của địch, phá tan âm mưu bao vây tiêu diệt lực lượng của ta, khủng bố tinh thần cán bộ và nhân dân ta muốn đẩy lùi căn cứ kháng chiến và lực lượng Cách mạng ra xa sào huyệt đầu não của chúng.

Ý nghĩa của chiến thắng: Đây là một thắng lợi quân sự vang dội khắp các chiến trường vào thời điểm bấy giờ, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần kháng chiến của bộ đội và nhân dân ta. Dù lực lượng võ trang non trẻ, thiếu thốn mọi mặt nhưng vẫn tổ chức kháng cự có hiệu quả và cuối cùng đánh bại một trận càn quét lớn của địch. Là một bài học quí giá về xây dựng và tác chiến của lực lượng Cách mạng. Một ý nghĩa có tính chiến lược là chiến thắng Láng Le bước đầu đã làm thất bại ý đồ " Tốc chiến, tốc thắng" của địch, muốn diệt cơ quan đầu não và lực lượng chủ lực của kháng chiến đã thất bại hoàn toàn.

2/ Chiến thắng trong trận "Tìm diệt" của Mỹ ngụy (14/10/1966):

Cũng trên địa phận Láng Le - Bào Cò của xã Tân Nhựt anh hùng, ngày 14/10/1966 một Tiểu đoàn Biệt động quân của ngụy quyền Sài Gòn bị bộ đội Tiểu đoàn 6 Bình Tân và dân quân du kích tiêu diệt. Là một trận tiêu diệt địch cấp tiểu đoàn - một trong những chiến thắng quan trọng của thời kỳ tập trung đánh mạnh, nhằm tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch; diệt ác phá kiềm; củng cố và giữ vững vùng giải phóng. Nơi đây đã trở thành bàn đạp tiến công của lực lượng cách mạng phía tây nam thành phố, giành thắng lợi trong cuộc tiến công Xuân Mậu thân và chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

III. Khu di tích Láng Le:

Để tưởng nhớ đồng bào và chiến sĩ cách mạng đã hy sinh trên vùng đất này, từ năm 1988, Huyện ủy Bình Chánh đã quyết định xây dựng công trình lịch sử trên vùng đất Láng Le thuộc ấp 1 xã Tân Nhựt, Huyện Bình Chánh với tổng diện tích là 10.000m2. Cuối năm 1988 hai dãy mộ và bia tập thể để tưởng niệm các chiến sĩ và dân quân đã hy sinh trong các trận đánh thời chống Pháp và chống Mỹ đã được xây dựng. Sau đó các hạng mục khác cũng dần dần được hình thành và đến năm 1993 thì hoàn chỉnh công trình như ngày nay.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét